Nguyên nhân trẻ bị viêm mũi họng là gì?
Nguồn ảnh: Internet
Nguyên nhân do môi trường sống
Thời tiết thay đổi đột ngột, mưa ẩm, nhiệt độ hạ thấp
Khói xe, khói thuốc lá, thuốc lào, than, bụi bẩn trong môi trường...
Trẻ mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo... tiếp xúc với môi trường mới.
Trẻ mới cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm.
Nguyên nhân do virus, vi khuẩn, nấm
Virus: cúm, sởi, Adenovirus... Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng vì vậy cha mẹ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. không tự ý cho con dùng kháng sinh.
Vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu, liên cầu... Trong đó, nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) rất dễ gây nên biến chứng: viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp.
Nấm: thường là nấm Candida.
Sai lầm khi chữa tai mũi họng cho trẻ
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – Bệnh viện An Việt, Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung uơng thì nhiều bậc phụ huynh thường mắc phải các sai lầm khi điều trị các bệnh lý tai mũi họng ở trẻ nhỏ.
Dùng đơn thuốc cũ cho trẻ
Phụ huynh thường mắc phải nhiều sai lầm khi chữa trị tai mũi họng cho trẻ. Nguồn ảnh: BVAV
Khi trẻ bị các bệnh tai mũi họng, nhiều cha mẹ thường sử dụng lại đơn thuốc cũ khi thấy trẻ có những triệu chứng gần giống với lần ốm trước. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ bởi mỗi đơn thuốc thích hợp với từng bệnh lý, cơ địa cũng như tiền sử cụ thể, liều lượng mỗi lần cũng khác nhau.
Đặc biệt, nếu sử dụng thuốc kém hiệu quả vô tình bắt trẻ uống một lượng thuốc không cần thiết. Đó là chưa kể dùng thuốc bừa bãi còn khuyến trẻ tăng nguy cơ di ứng, gặp các bệnh mãn tính như viêm khớp, hen phế quản, béo phì…
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Bên cạnh dùng đơn thuốc cũ thì nhiều phụ huynh còn có thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ. Đa số các bệnh lý về hô hấp là do virus gây ra nên sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Khi mắc các bệnh về hô hấp, hệ tiêu hóa của bé sẽ kém hơn bình thường nên cha mẹ không nên suy nghĩ cho ăn “tẩm bổ” quá nhiều thức ăn để nhanh khỏi mà cần chia thành nhiều bữa tránh tạo áp lực cho trẻ.
PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An cho rằng các bậc phụ huynh nên tiêm phòng đầy đủ, bổ sung vitamin A, D theo lịch trình. Cải thiện bữa ăn cho trẻ giàu dinh dưỡng, nên nấu nhừ, loãng thức ăn cho trẻ dễ nuốt. Đặc biệt cần bổ sung nước cho trẻ dưới nhiều hình thức như sữa tươi, nước trái cây, nước ép rau củ…
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ nghỉ đúng giờ và vận động ngoài trời lúc sáng sớm khoảng 30 phút mỗi ngày.
Đặc biệt, khi trẻ mắc các bệnh về hô hấp thì nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng uy tín để điều trị, tránh những biến chứng không tốt cho sức khỏe.